Có thể các bạn thường nghe tới “kế toán” thường ngày bởi tính phổ biến của nó nhưng chắc hẳn các bạn không thực sự rõ kế toán là gì và công việc của các kế toán viên ra sao phải không nào?
Cùng mình tìm hiểu về nghề kế toán nếu bạn đang thực sự quan tâm tới nó nhé.
Nội dung bài viết
Kế toán là gì?
Bạn có thể tìm kiếm khái niệm này trên hàng nghìn website trên mạng về kế toán, tuy nhiên mình dám chắc rằng họ định nghĩa khái niệm kế toán khá loằng ngoằng và khả năng cao người đọc xong vẫn không thực sự hiểu được kế toán là gì.
Mình sẽ giải thích cực kì đơn giản như sau:
- Kế toán là toàn bộ quá trình ghi chép và lưu trữ lại các giao dịch tài chính liên quan tới một tổ chức, doanh nghiệp.
Một quy trình kế toán thường bao gồm các công việc tóm tắt, phân tích và báo cáo các giao dịch tài chính tới cơ quan giám sát, quản lý và thu thuế thông qua báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính là một bản tóm tắt ngắn gọn các giao dịch tài chính trong một kỳ kế toán, tóm tắt hoạt động của một công ty cũng như tình hình tài chính và các luồng tiền của công ty đó.
Cơ chế hoạt động của phòng kế toán
Kế toán là một bộ phận cực kì quan trọng trong hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp. Các công việc của kế toán có thể được xử lý bởi một người tại công ty nhỏ hoặc thậm chí là cả một đội nhóm kế toán thuộc bộ phận tài chính với hàng chục nhân viên ở các công ty lớn hơn, tùy theo số lượng giao dịch tài chính của công ty đó.
Các báo cáo được tạo ra bởi các luồng kế toán khác nhau, ví dụ như kế toán chi phí và kế toán quản lý. Các báo cáo này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ban lãnh đạo đưa ra các quyết định kinh doanh tốt nhất.
Các loại kế toán
Thông thường kế toán được chia thành 3 loại sau:
1. Kế toán tài chính
Kế toán tài chính được đề cập tới các quy trình được sử dụng để tạo nên báo cáo tài chính giữa niên độ và hàng năm. Kết quả của tất cả các giao dịch tài chính xảy ra trong một kỳ kế toán sẽ được tổng hợp vào bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Báo cáo tài chính của hầu hết các công ty đều được kiểm toán hàng năm bởi một công ty kiểm toán bên ngoài vì lý do này hay lý do khác.
2. Kế toán quản lý
Kế toán quản lý sử dụng những dữ liệu tương tự kế toán tài chính nhưng được tổ chức và sử dụng thông tin theo cách khác.
Cụ thể, kế toán quản lý tạo báo cáo hàng tháng hoặc hàng quý mà nhóm quản lý doanh nghiệp có thể sử dụng để đưa ra quyết định về cách thức hoạt động của doanh nghiệp.
Kế toán quản lý cũng thực hiện nhiều công việc khác của kế toán như lập ngân sách, dự báo và các công cụ phân tích tài chính khác nhau. Về cơ bản, kế toán quản lý thu thập bất kỳ thông tin nào hữu ích cho việc quản lý.
3. Kế toán chi phí
Kế toán chi phí giúp tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh đưa ra các quyết định về giá thành sản phẩm. Về cơ bản, kế toán chi phí xem xét tất cả các chi phí liên quan tới việc sản xuất sản phẩm.
Các nhà phân tích, quản lý, chủ doanh nghiệp có thể thông qua đó để xác định giá thành sản phẩm. Trong kế toán chi phí, tiền được coi là một yếu tố kinh tế trong sản xuất trong khi kế toán tài chính coi tiền là thước đo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các công việc của kế toán viên
Tùy theo vị trí và cấp bậc mà công việc của kế toán viên sẽ khác nhau. Nhìn chung, các công việc của kế toán viên có thể mô tả bằng các hoạt động sau đây:
- Ghi chép các hoạt động tài chính và kiểm tra sổ sách kế toán
- Lập chứng từ cho các hoạt động tài chính
- Xử lý dữ liệu kế toán để lập báo cáo tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp và gửi ban lãnh đạo
- Phân tích tình hình tài chính, ngân sách, chi phí và doanh thu của công ty để tham mưu với ban lãnh đạo
- …
Các kỹ năng cần thiết của một kế toán viên
Để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả, các kế toán viên phải sở hữu cho mình những kỹ năng đặc biệt, có thể kể tới như:
- Khả năng chẩn đoán và sửa chữa các sai sót hay sai lệch nhỏ trong tài khoản của công ty
- Khả năng suy nghĩ logic giúp giải quyết các vấn đề
- Kỹ năng về toán học. Tuy nhiên không quá quan trọng như trước bởi nay đã có sự hỗ trợ từ máy tính
- Kỹ năng tin học
- Kỹ năng sử dụng máy tính và tin học văn phòng
Tố chất cần thiết của một kế toán viên
Ngoài những kỹ năng phía trên, các kế toán viên cũng cần sở hữu những tố chất quan trọng phù hợp với ngành kế toán như:
- Tính trung thực, khách quan, chăm chỉ, cẩn thận, tỉ mỉ
- Khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp cần được rèn luyện tốt
- …
Cơ hội nghề nghiệp ngành Kế toán
Sinh viên ngành Kế toán sau khi tốt nghiệp có thể tự định hướng cho bản thân theo 4 lĩnh vực bao gồm Kế toán, Kiểm toán, Thuế và Quản lý.
Vị trí kế toán tại các công ty, doanh nghiệp thường yêu cầu bằng đại học trở lên bởi đây là vị trí công việc cần phải được đào tạo bài bản. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc ở một số công ty.
Kế toán là một công việc khá khô khan bởi công việc đi liền với các con số, khá áp lực. Các kế toán viên thường xuyên phải làm thêm giờ, đặc biệt là trong các thời điểm quyết toán thuế doanh nghiệp. Tùy thuộc vào các phát sinh giao dịch của công ty, thời điểm báo cáo thuế của công ty…
Các cấp bậc trong nghề kế toán
Tương tự hầu hết các vị trí công việc khác, người làm việc trong các doanh nghiệp luôn cần định hình cho mình lộ trình thăng tiến trong cấp bậc công việc.
Cụ thể thì kế toán có các cấp bậc sau:
- Thực tập sinh kế toán: Là vị trí công việc dành cho các sinh viên kế toán mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Công việc chính sẽ do các kế toán trưởng giao. Nói chung là sếp giao gì làm đó.
- Kế toán viên: Là vị trí kế toán chính thức tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm nên lương vẫn chưa ổn cho lắm. Công việc của kế toán viên tùy theo môi trường từng công ty. Thường sẽ tập trung vào việc học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc để tăng cấp bậc.
- Kế toán tổng hợp: Là vị trí kế toán có từ 2 tới 3 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn, có khả năng tổng hợp, kiểm tra và lên báo cáo các hoạt động kế toán của doanh nghiệp. Mức lương vị trí kế toán tổng hợp từ 450$ tới 1000$ tùy từng công ty.
- Kế toán trưởng: Là vị trí đứng đầu bộ phận kế toán các tổ chức, doanh nghiệp. Công việc của kế toán trưởng là hướng dẫn, chỉ đạo, phân công công việc cho các vị trí kế toán phía dưới sao cho hợp lý. Ngoài ra còn có nhiệm vụ tham mưu cho banh lãnh đạo về kế toán tài chính doanh nghiệp. Đây cũng là vị trí cao nhất trong cấp bậc kế toán, là vị trí mà người làm kế toán hướng tới.