ROIC là một trong những công cụ tuyệt vời mà các nhà đầu tư cần hiểu biết và sử dụng nó để tìm ra những doanh nghiệp tiềm năng và đầu tư vào.
Trong khuôn khổ bài viết này, hãy cùng Kế toán Excel tìm hiểu chi tiết hơn về công cụ tài chính ROIC này nhé.
Nội dung bài viết
ROIC là gì?
ROIC (viết tắt tiết Anh của Return on Invested Capital) có nghĩa là lợi nhuận trên vốn đầu tư, là một công cụ tài chính phản ánh khả năng sinh lời từ vốn đầu tư mà bỏ qua nguồn gốc của vốn đầu tư (dù là nợ vay hay vốn chủ sở hữu).
Trên Báo cáo kết quả kinh doanh, chỉ số ROIC cho chúng ta biết số vốn đầu tư vào doanh nghiệp (thể hiện trên bảng cân đối kế toán) mang lại bao nhiêu lợi nhuận.
Ví dụ: ROIC của công ty là 20% mỗi năm -> cứ 100 đồng tiền vốn doanh nghiệp thu tạo ra được 20 đồng lợi nhuận.
Cách tính ROIC
Các bạn có thể sử dụng 1 trong 2 công thức sau để tính chỉ số ROIC của 1 doanh nghiệp:
(1) ROIC = EBIT / (Tổng tài sản – Nợ phải trả ngắn hạn – Tiền và các khoản tương đương tiền) bình quân
(2) ROIC = EBIT / (Nợ vay ngắn hạn + Nợ vay dài hạn + Vốn chủ sở hữu) bình quân
Vai trò và tầm quan trọng của ROIC
ROIC đóng vai trò cực kì quan trọng trước các quyết định đầu tư bởi các nguyên nhân sau đây
#1 ROIC cho bạn thấy nguồn gốc tạo ra sự tăng trưởng của cải cho các cổ đông
Các nhà đầu tư nên nhớ, tăng trưởng không tự nhiên mà có. Doanh nghiệp có thể tăng trưởng dựa trên việc làm hao mòn giá trị của các cổ đông nếu như chỉ số ROIC < WACC (chi phí sử dụng vốn bình quân).
Một ví dụ dễ hiểu: Một công ty vay ngân hàng 10 tỷ với lãi suất 6%/năm để thực hiện đầu tư cho sự tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên mỗi năm lợi nhuận của công ty chỉ tăng thêm 500 triệu (< 600 triệu lãi suất hàng năm).
-> Như vậy hàng năm doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất cho ngân hàng lớn hơn mức tăng lợi nhuận -> Giá trị của doanh nghiệp giảm.
#2 Tạo ra giá trị lớn và lâu dài
Thêm một ví dụ: Công ty A và Công ty B cùng có mức vốn là 100$ để đầu tư.
Công ty A có ROIC là 10%. Công ty B có ROIC là 30%.
Coi như cả 2 công ty đều sử dụng 60% lợi nhuận hàng năm để đầu tư các tài sản cố định mới (máy móc, trang thiết bị…)
Qua kết quả từ việc tái đầu tư nguồn thu nhập, từ 100$ của công ty B tạo ra tổng lợi nhuận EBIT là 609$ trong 10 năm so với 126$ của công ty A.
Chính vì vậy mà nếu công ty A muốn gia tăng thu nhập tăng trưởng như công ty B thì cần phải tăng thêm vốn chủ sở hữu hoặc tăng việc vay nợ.
#3 Đánh giá chất lượng quản lý
Một nhà lãnh đạo tốt là một nhà quản lý doanh nghiệp có khả năng phân bổ tốt lượng vốn doanh nghiệp. Có một sự thật là không phải ban lãnh đạo công ty nào cũng quan tâm tới mục tiêu này.
Chỉ số ROIC giúp bạn đánh giá được đội ngũ quản lý thông qua việc chi tiêu thông minh hay không vào các khoản đầu tư sinh lời và gia tăng lượng tài sản.
Chỉ số ROIC bao nhiêu là tốt?
Theo lẽ thường tình thì ROIC càng cao sẽ càng thể hiện khả năng phân bổ vốn hiệu quả. tuy nhiên nó không thực sự hữu ích vì chúng ta không thể nắm rõ ROIC cao là tốt hay xấu với từng doanh nghiệp, bởi lẽ từng doanh nghiệp sẽ có các tiêu chuẩn kinh doanh riêng, hoạt động trong các điều kiện riêng.
Để có cái nhìn khách quan nhất, hãy so sánh nó với WACC – Chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp:
- Nếu ROIC > WACC -> Lợi nhuận từ các dự án của doanh nghiệp đã vượt quá chi phí để tài trợ cho dự án đó -> doanh nghiệp đang tạo ra giá trị tốt cho các cổ đông
- Nếu ROIC < WACC -> Giá trị cổ đông đang giảm xuống.
Tạm kết
Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư – ROIC là một chỉ số hữu ích cho việc đo lường tính hiệu quả trong sử dụng vốn doanh nghiệp cũng như phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của ban lãnh đạo.
Việc so sánh ROIC với WACC là một việc cần thiết giúp đánh giá tính ổn định chung đối với toàn bộ các doanh nghiệp.