Chiết khấu thương mại là gì? Hạch toán chiết khấu thương mại

0
867

Nghiệp vụ Chiết khấu thương mại là một trong những nghiệp vụ mà các kế toán viên công ty thương mại, công ty phân phối thường gặp phải nhất.

Kế toán Excel sẽ chia sẻ những kiến thức về Chiết khấu thương mại cùng cách hạch toán Chiết khấu thương mại trong khuôn khổ bài viết này nhé.

Nội dung bài viết

Chiết khấu thương mại là gì?

Chiết khấu thương mại (tiếng Anh là Trade Discount) được định nghĩa là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng với một số lượng lớn.

Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh lớn như hiện nay, doanh nghiệp muốn bán được hàng, có nhiều khách thì không thể không sử dụng chiết khấu thương mại được.

Một số hình thức thực hiện chiết khấu thương mại bao gồm:

  • Chiết khấu thương mại theo từng lần mua: Thường sẽ được giảm giá hàng bán ngay trong lần mua hàng đầu tiên.
  • Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua: Phải đạt 1 số lượng lượt mua nhất định mới được hưởng chiết khấu thương mại.
  • Chiết khấu thương mại sau chương trình khuyến mại: Hưởng chiết khấu thương mại sau khi xuất hóa đơn bán hàng.

Với mỗi hình thức chiết khấu thương mại trên sẽ có những quy định riêng về chính sách hưởng chiết khấu. Tuy nhiên, Nhà nước ta cũng có một số quy định chung cho chiết khấu thương mại, cụ thể mời các bạn xem tiếp trong phần dưới đây.

chiet khau thuong mai la gi

Quy định về chiết khấu thương mại

  #1 Quy định về hóa đơn chiết khấu

Theo Điểm 2.5 Khoản 2 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn GTGT hàng chiết khấu thương mại như sau:

  • Hàng hóa và dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT và tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
  • Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ theo số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.
  • Nếu số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (hoặc kỳ) chiết khấu hàng hóa thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền và thuế điều chỉnh. Căn cứ theo hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, vào.

Chính vì vậy mà ứng với 3 hình thức chiết khấu phía trên chúng ta có 3 trường hợp viết hóa đơn chiết khấu thương mại.

  #2 Quy định về thuế GTGT với hàng chiết khấu thương mại

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC về giá tính thuế của hàng bán theo hình thức chiết khấu thương mại như sau:

  • Nếu cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại cho khách hàng thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại.
  • Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ theo số lượng, doanh số thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán ahngf, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.
  • Nếu số tiền chiết khấu được lập sau khi kết thúc chương trình (hoặc kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các ố hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, vào.

  #3 Quy định về thuế TNDN với hàng chiết khấu thương mại

Hàng chiết khấu sau khi xuất hóa đơn điều chỉnh thì bên bán và bên mua đều điều chỉnh giảm doanh thu mua vào và bán ra, không kê khai khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hạch toán chiết khấu thương mại

Trước hết, các bạn cần xác định lại xem công ty mình áp dụng chế độ kế toán nào nhé, cụ thể:

  • Công ty áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133: Hạch toán chiết khấu thương mại vào TK 511
  • Công ty áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200: Hạch toán chiết khấu thương mại vào TK 521 gồm:
    • Tài khoản 5211: Chiết khấu thương mại
    • Tài khoản 5213: Giảm giá hàng bán

Chúng ta sẽ áp dụng hạch toán chiết khấu thương mại theo 3 trường hợp chiết khấu đã đề cập phía trên nhé.

hach toan chiet khau thuong mai

  Trường hợp #1: Chiết khấu – Giảm giá ngay khi mua hàng

Trường hợp này, hóa đơn GTGT sẽ ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.

BÊN BÁN hạch toán như sau:

Nợ TK 111, 112, 131: Tổng số tiền trên hóa đơn
         Có 511: Tổng số tiền (chưa có thuế)
         Có 3331: Thuế GTGT

  BÊN MUA hạch toán như sau:

Nợ TK: 156: Tổng số tiền (chưa có thuế)
Nợ TK: 1331: Thuế GTGT
         Có TK: 111, 112, 331: Số tiền trên hóa đơn

Bởi vì số tiền chiết khấu thương mại đã được trừ từ trước khi hóa đơn được viết, có nghĩa là giá ghi trên hóa đơn là giá đã được giảm nên các bạn cứ hạch toán theo số tiền ghi trên hóa đơn.

-> Kết luận: Trong trường hợp này, khi hạch toán không phản ánh khoản chiết khấu thương mại.

  Trường hợp #2: Hưởng chiết khấu – giảm giá khi đạt tới một số lượng mua hàng nhất định

Trong trường hợp này, số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo.

Lúc này, bạn cần điều chỉnh trên hóa đơn cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo, cụ thể theo 2 tình huống sau:

TH1: Số tiền chiết khấu giảm giá < giá trị hóa đơn cuối cùng: Trừ trực tiếp trên hóa đơn cuối cùng đó.

TH2: Số tiền chiết khấu giảm giá > giá trị hóa đơn cuối cùng: Phải lập hóa đơn điều chỉnh giảm (bởi bạn không thể trừ tiền trên hóa đơn được)

VD: Công ty ABC có chương trình chiết khấu thương mại với những khách hàng có doanh số từ 200 triệu, được hưởng chiết khấu 15%.

Công ty DEF có phát sinh 4 lần mua hàng của công ty ABC lần lượt như sau:

  • Lần 1: Mua hàng với giá trị 70 triệu, công ty ABC xuất hóa đơn 70 triệu.
  • Lần 2: Mua hàng với giá trị 50 triệu, công ty ABC xuất hóa đơn 50 triệu
  • Lần 3: Mua hàng với giá trị 60 triệu, công ty ABC xuất hóa đơn 60 triệu
  • Lần 4: Mua hàng với giá trị 50 triệu, công ty ABC xuất hóa đơn 50 triệu

Công ty DEF có doanh số mua hàng là 230 triệu, đạt điều kiện hưởng chiết khấu thương mại của công ty ABC là 15% x 230 triệu = 34,5 triệu < 50 triệu (lần xuất hóa đơn cuối cùng).

Như vậy có thể trừ trực tiếp trên hóa đơn lần 4, cụ thể hơn như sau:

STT Tên hàng hóa, dịch vụ Đơn vị tính Số lượng Đơn giá Thành tiền
1 2 3 4 5 6=4×5
01 Tủ lạnh LG GN-D422BL chiếc 5 10.000.000 50.000.000
(Chiết khấu thương mại 15% theo hợp đồng số 015/KTTU ngày 12/1/2021) 34.500.000
/
Cộng tiền hàng:                                                            15.500.000
Thuế suất GTGT:      10%, Tiền thuế GTGT:                      1.550.000
Tổng cộng tiền thanh toán:                                           17.050.000

Hạch toán chiết khấu thương mại hàng bán như sau:

Hóa đơn lần 1, 2, 3: Hạch toán theo bình thường.

Hóa đơn lần 4: Hạch toán như sau:

BÊN BÁN: 

Nợ TK 131, 111, 112: Tổng số tiền đã chiết khấu: 17.050.000
         Có 511: Tổng số tiền đã chiết khấu: 15.500.000
         Có 3331: Thuế GTGT: 1.550.000

BÊN MUA: 

Nợ TK: 156: Giá trên hóa đơn: 17.050.000
Nợ TK: 1331: Thuế GTGT: 1.550.000
         Có TK: 111, 112, 331: Số tiền đã trừ khoản chiết khấu: 17.050.000

VD2: Tương tự ví dụ 1 nhưng ở lần mua 4, giá trị đơn hàng là 30 triệu -> Tổng doanh số là 210 triệu -> Số tiền chiết khấu = 15% x 210 triệu = 31.5 triệu > 30 triệu (số tiền thanh toán ở hóa đơn cuối cùng).

Như vậy, hóa đơn 3 vẫn xuất như bình thường là 30 triệu.

Sau đó, công ty ABC sẽ lập hóa đơn điều chỉnh giảm, kèm bảng kê các số hóa đơn lần 1, 2, 3, 4 như sau:

STT Tên hàng hóa, dịch vụ Đơn vị tính Số lượng Đơn giá Thành tiền
1 2 3 4 5 6=4×5
01 Điều chỉnh giảm giá hàng bán do chiếu khấu thương mại 15% theo hợp đồng số 015/KTTU ngày 12/1/2021), kèm bảng kê các số hóa đơn số chiếc 21 1.500.000 31.500.000
/
/
Cộng tiền hàng:                                                            31.500.000
Thuế suất GTGT:      10%, Tiền thuế GTGT:                      3.150.000
Tổng cộng tiền thanh toán:                                            34.650.000

Hạch toán chiết khấu thương mại hàng bán như sau:

Hóa đơn lần 1, 2, 3: Hạch toán như thường

Hóa đơn điều chỉnh giảm bên trên hạch toán như sau:

BÊN BÁN: 

  • Phản ánh số tiền chiết khấu thương mại:

Nợ TK 521: Số tiền chiết khấu thương mại: 31.500.000 (Nếu theo TT 133 thì sẽ hạch toán vào Nợ 511 nhé)
Nợ TK 3331: Số tiền thuế GTGT được điều chỉnh giảm: 3.150.000
         Có TK 131, 111, 112: 34.650.000

  • Cuối kỳ kế toán, kết chuyển ghi: (Nếu theo TT133 sẽ có bút toàn này)

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
         Có TK 521: Các khoản giảm trừ doanh thu

BÊN MUA: 

  • Nếu hàng chiết khấu thương mại đó còn tồn trong kho ghi giảm giá trị hàng tồn kho

Nợ TK 311, 111, 112: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK 156: Giảm giá trị hàng tồn kho
         Có TK 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã bán thì ghi giảm giá vốn hàng bán:

Nợ TK 331, 111, 112, …: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK 632: Giảm giá vốn
         Có TK 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã đưa vào sản xuất kinh doanh, quản lý… thì ghi giảm chi phí đó:

Nợ TK 331, 111, 112…: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK 154, 642…: Giảm chi phí tương ứng
         Có TK 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã sử dụng cho hoạt động xây dựng cơ bản thì ghi giảm chi phí xây dựng cơ bản:

Nợ TK 331, 111, 112…: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK 241: Giảm chi phí xây dựng cơ bản
         Có TK 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  Trường hợp #3: Tổng kết xuất hóa đơn điều chỉnh sau khi kết thúc chương trình

Trong trường hợp này:

  • Khi bán hàng hóa vẫn xuất hóa đơn bình thường
  • Số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (hoặc kỳ) chiết khấu hàng bán thì lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh

Với trường hợp này, chúng ta sẽ xử lý tương tự với tình huống số 2 thuộc trường hợp #2 phía trên. Có nghĩa là phải xuất thêm 1 hóa đơn điều chỉnh sau cùng.

Theo đó, dựa vào hóa đơn điều chỉnh để hạch toán như sau:

BÊN BÁN: 

  • Phản ảnh số chiết khấu thương mại phát sinh trong kỳ:

Nợ TK 521: Số tiền chiết khấu thương mại (Theo TT133 thì hạch toán vào Nợ 511)
Nợ TK 3331: Số tiền thuế GTGT được điều chỉnh giảm
         Có TK 131, 111, 112, …

  • Cuối kỳ kế toán, kết chuyển ghi (Nếu theo TT133 sẽ có bút toàn)

Nợ TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
         Có TK 521: Các khoản giảm trừ doanh thu

BÊN MUA: 

Điều chỉnh vào cuối thì cần lưu ý những điều sau:

  • Nếu hàng chiết khấu thương mại đó còn tồn trong kho ghi giảm giá trị hàng tồn kho

Nợ TK 311, 111, 112: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK: 156: Giảm giá trị hàng tồn kho
         Có TK: 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã bán thì ghi giảm giá vốn hàng bán:

Nợ TK 331, 111, 112, …: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK: 632: Giảm giá vốn
         Có TK: 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã đưa vào sản xuất kinh doanh, quản lý… thì ghi giảm chi phí đó:

Nợ TK 331, 111, 112…: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK: 154, 642…: Giảm chi phí tương ứng
         Có TK: 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

  • Nếu hàng đó đã sử dụng cho hoạt động xây dựng cơ bản thì ghi giảm chi phí xây dựng cơ bản:

Nợ TK 331, 111, 112…: Số tiền chiết khấu thương mại
         Có TK: 241: Giảm chi phí xây dựng cơ bản
         Có TK: 1331: Giảm số thuế đã được khấu trừ

Lưu ý một chút: Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hạch toán như sau:

  • Hạch toán khoản chiết khấu thương mại:

Nợ TK 521: Chiết khấu thương mại (hạch toán vào Nợ 511 nếu thực hiện theo Thông tư 133)
Có TK 131: Phải thu của khách hàng

  • Hạch toán doanh thu bán hàng:

Nợ TK 131: Phải thu của khách hàng
Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ