Thuế môn bài là gì? Hướng dẫn kê khai và nộp thuế môn bài

0
485

Thuế môn bài là loại thuế quan trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp mới thành lập.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết toàn bộ thông tin về thuế môn bài nhé.

Nội dung bài viết

Thuế môn bài là gì?

Thuế môn bài (tiếng Anh là License Tax) là loại thuế trực thu, đánh vào giấy phép kinh doanh của hộ, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh.

Thuế môn bài còn được gọi là lệ phí môn bài là mức thuế công ty cần phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý trực tiếp.

Mức lệ phí môn bài phải nộp hàng năm dựa vào vốn điều lệ ghi trên giấy phép kinh doanh và doanh thu hay giá trị gia tăng năm kề trước.

thue mon bai

Khi nào phải nộp thuế môn bài?

Theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định 22/2020 sửa đổi Khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, thời hạn khai lệ phí môn bài và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước ngày 30 tháng 1.

Theo lịch nộp thuế năm 2021, thuế môn bài sẽ có hạn nộp chậm nhất vào ngày 30/1/2021.

Một số trường hợp đặc biệt như sau:

  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh (gồm chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được miễn thuế môn bài trong 3 năm đầu tiên tính từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Từ năm thứ 4 trở đi, doanh nghiệp nộp thuế môn bài như sau:
    • Nếu ngày kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài rơi vào 6 tháng đầu năm (T1 – T6) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
      • Nếu ngày kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài rơi vào 6 tháng cuối năm (T7 – T12) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất ngày 30/1 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
  • Doanh nghiệp thành lập từ ngày 25/2/2020 tới 31/12/2020 sẽ được miễn lệ phí môn bài của năm 2020. Thời hạn nộp lệ phí môn bài của các doanh nghiệp trong trường hợp này cùng chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chậm nhất ngày 30/1/2021. Nộp sau thời hạn này sẽ chịu phí phạt.
  • Trường hợp các hộ kinh doanh mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế sẽ căn cứ theo tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính thuế môn bài phải nộp theo phương pháp khoán.

Nộp lệ phí môn bài ở đâu?

Tùy theo cách nộp lệ phí mà các bạn sẽ có địa điểm nộp thuế môn bài khác nhau.

  • Cách 1: Nộp trực tiếp tại kho bạc nhà nước (tiền mặt)
  • Cách 2: Nộp thuế điện tử

Hiện nay hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh đều chuyển qua sử dụng hình thức nộp thuế điện tử để nộp lệ phí môn bài. Để nộp bằng cách này, công ty cần phải có tài khoản ngân hàng công ty và chữ ký số.

Một số chi cục thuế đã bắt đầu yêu cầu tổ chức doanh nghiệp phải nộp thuế qua hình thức trực tuyến.

Hướng dẫn kê khai thuế môn bài

Với các doanh nghiệp thành lập từ năm 2020 sẽ phải nộp tờ khai thuế môn bài. Xem chi tiết hướng dẫn nộp tờ khai thuế môn bài theo 2 cách sau.

Doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp tờ khai thuế môn bài 1 lần cho tới khi tăng vốn điều lệ lên quá 10 tỷ hoặc doanh nghiệp mở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh…

  Cách #1: Nộp tờ khai thuế môn bài trực tiếp

Quy trình kê khai và nộp tờ khai thuế môn bài trực tiếp như sau:

  • Bước 1: Liên hệ trước với Chi cục thuế quản lý doanh nghiệp để hỏi xem họ nhận hồ sơ trực tiếp hay không. Nếu họ không nhận trực tiếp thì bạn bắt buộc phải sử dụng cách #2 hoặc cách #3.
  • Bước 2: Lập tờ khai lệ phí môn bài được ban hành kèm theo Nghị định 139/2016/NĐ.
  • Bước 3: Viết giấy nộp tiền vào Ngân sách nhà nước theo mẫu số C1-02/NS
  • Bước 4: Mang Tờ khai thuế môn bài tới Chi cục thuế quản lý DN để nộp, giấy nộp tiền thì mang tới Ngân hàng (địa điểm thu ngân sách nhà nước) để nộp.

  Cách #2: Kê khai và nộp tờ khai thuế môn bài qua mạng

Điều kiện:

  • Doanh nghiệp đã có chữ ký số
  • Doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử

Bước 1: Đăng ký tờ khai lệ phí môn bài 01/MBAI

  • Truy cập https://thuedientu.gdt.gov.vn/ thông qua tài khoản chữ ký số của doanh nghiệp. Lưu ý đăng nhập phải điền tên đăng nhập theo dạng MST-QL (Ví dụ: 0123456789123-QL)
  • Tại Menu của website, các bạn click lần lượt như sau: Khai thuế -> Đăng ký tờ khai -> Đăng ký thêm tờ khai
  • Tại nội dung hiển thị, bạn kéo xuống mục THUẾ MÔN BÀI -> tích vào ô vuông bên phải dòng 01/MBAI – Tờ khai lệ phí môn bài (NĐ139/2016) -> Tiếp tục -> Chấp nhận. Như vậy là hoàn thành bước đăng ký tờ khai lệ phí môn bài.

dang ky to khai le phi mon bai

Bước 2: Kê khai thuế môn bài qua mạng

Tại Menu website, các bạn lựa chọn lần lượt Khai thuế -> Kê khai trực tuyến.

Tại phần Tờ khai, bạn lựa chọn 01/MBAI – Tờ khai lệ phí môn bài (NĐ139/2016).

Lần lượt kiểm tra loại tờ khai (chính thức hay không) và năm ký kê khai (có đúng năm doanh nghiệp thành lập không) -> Ấn Tiếp tục.

Sau khi xuất hiện Tờ khai lệ phí môn bài, bạn tiến hành khai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế môn bài -> Ấn Hoàn thành kê khai -> Ký và nộp tờ khai.

Để kiểm tra tình trạng tờ khai đã nộp thành công hay chưa, bạn vào mục Tra cứu -> Tờ khai

Bước 3: Nộp tiền thuế môn bài

Sau khi đã nộp tờ khai thuế môn bài, bạn cần nộp tiền lệ phí môn bài theo 1 trong 2 cách sau:

  • Tới ngân hàng được ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước để nộp. Bạn cần lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước trước đó.
  • Nộp thuế điện tử (cần đăng ký trước đó)

  Cách #3: Kê khai lệ phí môn bài trên phần mềm HTKK và nộp qua mạng

Tương tự cách 2 nhưng chúng ta sẽ tiến hành lập tờ khai lệ phí môn bài trên phần mềm HTKK.

Bước 1: Lập tờ khai thuế môn bài

Đăng nhập phần mềm HTKK -> Phí – Lệ phí -> Tờ khai lệ phí môn bài – 01/MBAI (NĐ139/2016).

lap to khai thue mon bai tren htkk

Tiến hành khai chỉ tiêu như cách 2. Sau khi kê khai, bạn lựa chọn Kết xuất XML ra để nộp trên trang thuedientu theo cách 2.

Bước 2: Nộp tờ khai thuế môn bài

Tiến hành đăng nhập https://thuedientu.gdt.gov.vn/ như cách trên.

Tại Menu, bạn lựa chọn Kê khai -> Nộp tờ khai XML -> Chọn tệp XML vừa kết xuất -> Ký điện tử -> Nộp tờ khai.

Bước 3: Nộp tiền thuế môn bài

Tương tự cách 2 cũng có 2 cách đó là nộp trực tiếp tại ngân hàng được ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế điện tử nhé.

Mức thuế môn bài phải nộp năm 2021

Theo Khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC:

Mức thuế, bậc lệ phí môn bài phải đóng với các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ năm 2020 như bảng dưới đây:

Loại hình tổ chức Số vốn/Doanh thu Mức thuế môn bài/năm
Doanh nghiệp thành lập trước ngày 1/1/2021
Tổ chức doanh nghiệp Vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng 3 triệu đồng
Vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống 2 triệu đồng
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác 1 triệu đồng
Hộ kinh doanh Doanh thu > 500 triệu/năm 1 triệu đồng
Doanh thu trên 300 – 500 triệu/năm 500.000đ
Doanh thu trên 100 – 300 triệu đồng/năm 300.000đ
Doanh nghiệp thành lập từ ngày 1/1/2021
Tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác Miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu, tính từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Một số loại thuế môn bài cần lưu ý

 #1 Thuế môn bài hộ kinh doanh cá thể

Mức lệ phí môn bài với hộ kinh doanh như bảng trên, cụ thể:

  • Doanh thu năm kề trước 500 triệu: Nộp lệ phí môn bài 1.000.000đ/năm
  • Doanh thu năm kề trước trên 300 – 500 triệu: Nộp lệ phí môn bài 500.000đ/năm
  • Doanh thu năm kề trước trên 100 – 300 triệu: Nộp lệ phí môn bài 300.000đ/năm

 #2 Thuế môn bài cho thuê nhà

Mức thuế môn bài áp dụng cho thuê nhà như sau:

  • Tổng doanh thu từ cho thuê nhà dưới 100 triệu/năm: Miễn các loại thuế
  • Tổng doanh thu từ cho thuê nhà trên 100 triệu/năm: Áp dụng nộp thuế môn bài theo các mức tương tự với hộ kinh doanh phía trên.

 #3 Thuế môn bài với doanh nghiệp mới thành lập

  • Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1/1/2021: Miễn lệ phí môn bài trong 3 năm.
  • Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 25/1/2020 tới trước ngày 1/1/2021: Miễn lệ phí môn bài năm 2020.

 #4: Thuế môn bài với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Mức lệ phí môn bài áp dụng cho chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác là 1 triệu đồng/năm.

Xử phạt do chậm nộp thuế môn bài

Theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, xử phạt hành chính với các hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế như sau:

  • Nộp hồ sơ khai thuế quá hạn 1-5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ: Phạt cảnh cáo
  • Nộp chậm từ 1-30 ngày (trừ trường hợp trên): Phạt 2.000.000đ – 5.000.000đ.
  • Nộp chậm từ 31 tới 60 ngày: Phạt 5.000.000đ – 8.000.00đ.
  • Phạt từ 8.000.000đ – 15.000.000đ theo với các trường hợp sau:
    • Nộp hồ sơ khai thuế chậm từ 61 – 90 ngày
    • Nộp hồ sơ khai thuế chậm từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
  • Phạt tiền 15.000.000d – 25.000.000đ: Nộp chậm hồ sơ khai thuế trên 90 ngày và có phát sinh số thuế phải nộp, NNT đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên abnr về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Mức nộp phạt tính theo công thức cụ thể như sau:

Số tiền chậm nộp = Mức lệ phí môn bài x 0.03%  x Số ngày chậm nộp

Hướng dẫn hạch toán thuế môn bài

  #1 Nộp tờ khai lệ phí môn bài

Để hạch toán thuế môn bài, các bạn cần dựa vào tờ khai thuế môn bài đã nộp cho cơ quan thuế nhà nước.

Lưu ý: Cần kiểm tra xem doanh nghiệp mình hạch toán có quy mô doanh nghiệp như thế nào để hạch toán nhé. Nếu hạch toán sai tài khoản sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà sẽ áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133 hay Thông tư 200.

  • Doanh nghiệp hạch toán thuế môn bài theo Thông tư 200:

Nợ 6425: – Thuế, phí và lệ phí
         Có TK 3338: – Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)

  • Doanh nghiệp hạch toán thuế môn bài theo Thông tư 133:

Nợ 6425: Chi phí quản lý doanh nghiệp
         Có TK 3338: – Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)

  #2 Nộp tiền vào ngân sách nhà nước

Dựa theo giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước để các bạn hạch toán:

Nợ TK 3338: (Chi tiết 33382)
         Có TK 111,112

  #3 Hạch toán tiền phạt chậm nộp thuế môn bài

Trường hợp doanh nghiệp nhận quyết định xử phạt của cơ quan thuế vì chậm nộp thuế môn bài thì hạch toán như sau:

Nợ TK 881: Chi phí khác
         Có TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp

Khi nộp tiền phạt (Dựa theo giấy nộp tiền vào ngân sách):

Nợ TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp
         Có TK 111/112.

Cuối kỳ kết chuyển:

Nợ TK 911
         Có TK 811

Lưu ý: Số tiền phạt nộp chậm tờ khai thuế môn bài và tiền phạt nộp tiền thuế môn bài không được trừ khi tính thuế TNDN.

Xem thêm: Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan tới thuế môn bài. Chúc các bạn thao thác thành công.