Thanh khoản là một trong những khái niệm xuất hiện rất nhiều lần trong tài chính doanh nghiệp mà không phải ai cũng biết. Trong khuôn khổ bài viết này hãy cùng Kế toán Excel tìm hiểu sơ qua về khái niệm thanh khoản nhé.
Nội dung bài viết
Thanh khoản là gì?
Thanh khoản (tiếng anh là Liquidity) được hiểu là tính hiệu quả hay khả năng chuyển đổi tài sản, chứng khoán thành tiền mặt mà không làm ảnh hưởng tới giá thị trường của nó.
Trong tài chính doanh nghiệp, tài sản có tính thanh khoản lớn nhất là tiền mặt. Trong khi đó các tài sản hữu hình có tính thanh khoản thấp hơn.
Có hai loại thanh khoản chính bao gồm:
- Thanh khoản thị trường (Market Liquidity)
- Thanh khoản kế toán (Accounting Liquidity)
Tính thanh khoản của các loại tài sản
Như đã đề cập ở phần trên, tiền mặt là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Một số loại tài sản khác của doanh nghiệp cũng có tính thanh khoản, chúng được xếp theo thứ tự từ cao tới thấp (thước đo tính thanh khoản) như sau:
- Tiền mặt
- Các khoản đầu tư ngắn hạn
- Các khoản phải thu
- Ứng trước ngắn hạn
- Hàng tồn kho
Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản lớn nhất bởi có thể sử dụng trực tiếp để thanh toán cũng như lưu thông, tích trữ.
Ngoài những tài sản trên, chứng khoán cũng là một loại tài sản có tính thanh khoản. Cụ thể như trong phần dưới đây.
Tính thanh khoản trong chứng khoán
Thanh khoản trong chứng khoán là gì?
Trong chứng khoán, tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi từ tiền mặt thành chứng khoán và ngược lại.
Chứng khoán sẽ có tính thanh khoản cao hơn nếu chúng có sẵn trên thị trường và dễ dàng mua bán, có giá cả ổn định theo thời gian, dễ phục hồi nguồn vốn đầu tư.
Tính thanh khoản của chứng khoán cao bởi nhà đầu tư hay người chơi chứng khoán có thể nhanh chóng đổi thành tiền mặt khi cần thiết. Thị trường chứng khoán càng sôi động thì tính thanh khoản của chứng khoán càng cao và ngược lại.
Rủi ro trong thanh khoản chứng khoán
Trong chứng khoán, nhà đầu tư không chỉ chú tâm tới tính thanh khoản mà chủ yếu họ cần cân nhắc tới khả năng mua vào – bán ra để chốt lời hoặc thu hồi vốn.
Nếu khó tìm được người mua hay thậm chí là bán chứng khoán với giá thấp, chứng khoán lúc này có khả năng hồi phục kém, gây tổn thất tài chính cho nhà đầu tư.
Nếu một nhà đầu tư ôm trong tay quá nhiều chứng khoán nhưng không thể bán ra và phải chịu lỗ từng ngày thì đây chính là rủi ro trong thanh khoản chứng khoán.