Vốn lưu động (NWC) là gì? Cách tính vốn lưu động ròng

0
11738

Vốn lưu động là một trong những khái niệm quan trọng trong tài chính doanh nghiệp. Hãy cùng KetoanExcel tìm hiểu những khái niệm về loại vốn này nhé.

von luu dong

Nội dung bài viết

Vốn lưu động là gì?

Vốn lưu động (tiếng Anh là Net Working Capital – NWC) hay còn gọi là vốn lưu động ròng, là sự chênh lệch giữa tài sản lưu động của công ty như tiền mặt, các khoản phải thu (hóa đơn chưa thanh toán) và hàng tồn kho nguyên vật liệu, thành phần với các khoản nợ ngắn hạn của công ty.

Vốn lưu động là thước đo cho tính thanh khoản, hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính ngắn hạn của công ty.

Nếu một công ty có vốn lưu động dương (+) đáng kể thì công ty đó sẽ có tiềm năng và đáng để đầu tư phát triển. Ngược lại nếu tài sản hiện tại của một công ty không lớn hơn số nợ hiện tại của nó, có thể công ty đó đang gặp khó khăn và thậm chí là còn có thể phá sản.

Công thức tính vốn lưu động

Cách tính vốn lưu động như sau:

Vốn lưu động = Tài sản lưu động – Nợ ngắn hạn

Để tính vốn lưu động, chúng ta so sánh tài sản lưu động của công ty với số nợ ngắn hạn.

  • Tài sản lưu động được liệt kê trên bảng cân đối kế toán bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho và các tài sản dự kiến có thể thanh lý hoặc chuyển thành tiền mặt trong thời hạn chưa tới 1 năm.
  • Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản phải trả, tiền lương nhân viên, thuế, phần nợ dài hạn hiện tại.

Nếu vốn lưu động bằng hoặc cao hơn mức trung bình với một công ty có quy mô tương đương trong cùng ngành được coi là có thể chấp nhận được. Nếu vốn lưu động thấp thì có thể thấy công ty đang gặp khó khăn hoặc có thể là vỡ nợ.

Ảnh hưởng của vốn lưu động tới dòng tiền công ty

Hầu hết các dự án mới như mở rộng sản xuất hay chuyển sang thị trường mới đều yêu cầu đầu tư vào vốn lưu động. Điều đó khiến dòng tiền bị giảm. Tuy nhiên tiền mặt cũng sẽ giảm nếu thu tiền quá chậm hay nếu doanh số bán hàng ngày càng giảm cũng sẽ dẫn tới giảm các khoản phải thu.

Các công ty đang sử dụng vốn lưu động không hiệu quả có thể thúc đẩy dòng tiền bằng cách siết chặt các nhà cung cấp và khách hàng.

Tầm quan trọng của vốn lưu động

Vốn lưu động rất quan trọng bởi nó cần thiết để doanh nghiệp có thể duy trì khả năng thanh toán.

Về mặt lý thuyết, một doanh nghiệp hoàn toàn có thể phá sản ngay cả khi nó đang có lãi. Một doanh nghiệp không thể dựa vào lợi nhuận kế toán để thanh toán các chi phí, hóa đơn. Các hóa đơn thanh toán này cần phải được thanh toán bằng tiền mặt.

Ví dụ: Một công ty tích lũy được 5 tỷ tiền mặt do lợi nhuận giữ lại của những năm trước đó. Nếu công ty đầu tư toàn bộ 5 tỷ này một lúc thì sẽ không đủ tài sản lưu động để thanh toán các khoản nợ hiện tại.